Nhận định Thánh Đức Thái tử

Trong Mười hai người lập ra nước Nhật của Sakaiya Taichi, Thái tử Shotoku được xem là "một thiên tài" trong Hoàng gia. Taichi nhận xét:[2]

Xem như trên thì thấy Thái tử Shotoku đã để lại sự nghiệp hiển hách trên nhiều lãnh vực. Song, cái ảnh hưởng của thái tử đối với nước Nhật ngày nay đáng nhấn mạnh nhất là sự nghiệp truyền bá Ðạo Phật, bởi chính thái tử cũng vừa là một tín đồ vừa là một nhà nghiên cứu nhiệt tâm, đồng thời, đã thảo ra bài "chiếu kính Thần". Sự thật này đã được ghi chép trong sách Kojiki (Cổ Sự Ký) và sách Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ). Nhưng, sự xuất hiện trong những sách này xem có vẻ đường đột. Có người nghi rằng sự việc này đã được lồng vào đó một cách vội vã khi người đời sau biên soạn sách đó. Sở dĩ nghi ngờ như vậy là vì nếu xét sự kiện thái tử là một Phật tử nhiệt thành, thì sự việc đó đáng lấy làm kỳ lạ.

— Sakaiya Taichi

Ðối với người Nhật, thì chiến tranh tôn giáo là cái gì thật sự không hiểu nổi. Khi xét vấn đề Trung Ðông hay cuộc phân tranh Bosnia Helzegovina, người Nhật hoàn toàn thấy mù tịt khi đi vào vấn đề tôn giáo! Chỉ vì khác tôn giáo mà đánh nhau đến bỏ mạng, là chuyện chưa bao giờ thấy có ở Nhật Bản, kể từ trận phân tranh giữa hai họ Soga và Mononobe thời Thái tử Shotoku cho tới ngày nay. Người dân nước này đã thành như vậy là do Thái tử Shotoku, hay ít nhất cũng là do cái tinh thần thời đại tượng trưng bởi thái tử.

— Sakaiya Taichi

Trước thập niên 1960, trên tờ giấy bạc 5 ngàn yen hay tờ 10 ngàn yen cũ có in hình Thánh Đức Thái tử. Hình này là một phần của tranh vẽ ông và hai người con. Trên thực tế, vấn đề gây tranh cãi là hình có mô tả chính xác ông hay không? Tuy nhiên, dù sao thì hình vẽ đã trở nên phổ biến với tư cách là "bộ mặt của Thánh Đức Thái tử".

Trên phương diện tôn giáo và văn hóa, ông được biết đến qua rất nhiều truyền thuyết. Giữa thập niên 1980, một tập sách hoạt họa vẽ ông được ra mắt ở Nhật Bản. Tập sách này được giới trẻ ưa chuộng, trở nên bán rất chạy. Điều khó tin là những nhân vật tôn giáo và ngoại giao trong lịch sử thường khó trở thành đề tài kể chuyện Kodan[3] hay đề tài truyện cổ, vậy mà kịch hí hoạ về Thánh Đức Thái tử lại được bán chạy.

Cũng theo Sakaiya Taichi:

Thái tử Shotoku còn là một đối tượng thờ cúng của người Nhật đã từ lâu rồi. Sự thờ cúng thái tử chiếm một vị trí thoải mái trong tư tưởng gộp đạo mà chính thái tử đã sáng tạo ra. Thái tử một mặt cống hiến tối đa cho việc phổ cập Ðạo Phật từ ngoài truyền vào, mặt khác đã có sự nghiệp to lớn là tạo ra cội nguồn của nền văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, cái phong cách "gạn lọc lấy chỗ hay," tức là phương pháp áp dụng văn hóa một cách chọn lọc, chính là ảnh hưởng lớn nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ thái tử vậy.

— Sakaiya Taichi